0905 777 197

Nhiều người trẻ ung thư tuyến giáp

Ngày đăng 05-09-2019

Thay vì nghe tiếng trống trường khai giảng năm học mới, thiếu niên 15 tuổi ở Lào Cai nghe trống ngực mình đập liên hồi, phải nhập viện. 

Em được bệnh viện tỉnh chuyển đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Hà Nội, kết quả chụp cắt lớp cho thấy tuyến giáp cậu bé có nhiều hạch, kích thước hạch lớn 35×28 mm. Bác sĩ chẩn đoán em bị ung thư tuyến giáp di căn nhiều nơi. 

Ngày 30/8, bác sĩ Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã phẫu thuật cho em. Kíp mổ cắt toàn bộ hạch bên trái, phải và trung tâm tuyến giáp của bệnh nhân. Theo bác sĩ Lương, đây là một trong những ca phẫu thuật khó do tình trạng khối u di căn nhiều, kích thước lớn. Trong quá trình phẫu thuật bóc tách khối u, các bác sĩ phải thực hiện tỉ mỉ, thời gian mổ kéo dài hơn so với các ca ung thư tuyến giáp thông thường.

Bác sĩ Lương cho rằng thiếu niên này là một trong những bệnh nhân trẻ nhất bị ung thư tuyến giáp điều trị tại viện. Mỗi ngày, bệnh viện phẫu thuật cho 40-50 trường hợp có liên quan đến tuyến giáp, trong đó bệnh nhân ung thư tuyến giáp ngày càng trẻ và có xu hướng gia tăng.

Tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm ở giữa cổ, gồm 2 thùy nối với nhau qua eo giáp trạng, có chức năng tiết ra hormone giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển. Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh thường gặp ở vùng đầu, mặt, cổ ở cả nam và nữ giới.

Ung thư tuyến giáp thường không có dấu hiệu rõ ràng nên âm thầm di căn đến nhiều bộ phận khác, khi phát hiện bệnh thì đã muộn. 

Bác sĩ Lương cùng ê kip phẫu thuật ung thư tuyến giáp cho bệnh nhân 15 tuổi. Ảnh: T.Q.

Theo thống kê của Globocan 2018, ung thư tuyến giáp là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới ở cả hai giới, khoảng 6,7 triệu ca mắc mới. Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 9, khoảng 5.000 ca mắc mới mỗi năm.

Bệnh được phát hiện sớm thì hiệu quả điều trị tốt. Tuy nhiên bệnh thường không có các dấu hiệu rõ ràng nên tiềm ẩn nguy cơ di căn tới nhiều cơ quan khác trong cơ thể dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Nhiều bệnh nhân ung thư xâm lấn ra thực quản, khí quản, động tĩnh mạch cảnh khiến việc bóc tách khối u di căn vô cùng phức tạp và nguy hiểm. Một số trường hợp khối u xâm lấn không thể cắt bỏ hoàn toàn khiến hiệu quả điều trị sau phẫu thuật thấp, khả năng tái phát cao.

Ung thư tuyến giáp được chia làm 4 giai đoạn, đánh số từ 1 đến 4. Phương pháp điều trị phụ thuộc chủ yếu vào dạng ung thư, giai đoạn bệnh, tuổi và tình trạng sức khỏe của người bệnh như phẫu thuật, iốt phóng xạ, điều trị hormone, xạ trị từ bên ngoài, hóa chất, điều trị trúng đích.

Sau điều trị, nên tái khám 3 tháng một lần trong 2 năm đầu, một năm một lần trong những năm kế tiếp để kiểm tra bệnh có tái phát. Nếu có các triệu chứng thì nên khám lại sớm nhất có thể.

Khi mắc bệnh lý tuyến giáp bướu nhân, người bệnh nên tái khám thường xuyên dù là u lành tính để được theo dõi sát tình trạng. Nếu có bất cứ biến đổi nào về hình thái học của tuyến giáp trên kết quả siêu âm, chụp cắt lớp, bác sĩ sẽ có những đánh giá chính xác hơn, kết hợp với chọc tế bào tuyến giáp để đưa ra chỉ định phẫu thuật kịp thời.

Những người không có biểu hiện lâm sàng cũng nên khám định kỳ 6 tháng một lần, đặc biệt là thực hiện siêu âm tuyến giáp. Ngoài ra cần chú ý những biểu hiện như khó chịu trong cổ, nuốt khó, khàn giọng, ho dai dẳng.

Để phòng bệnh, nên có lối sống lành mạnh, không dùng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Ăn nhiều rau xanh, hạn chế dùng các thực phẩm chứa nhiều chất béo, tăng cường vận động để giúp cơ thể chuyển hóa tốt.

Lê Nga